Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017




Đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng là vựa muối lớn và quan trọng ở miền Trung, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, bà con nơi đây tất bật trên đồng làm nên hạt muối Sa Huỳnh chất lượng. Hình ảnh những ruộng muối Sa Huỳnh nối tiếp nhau như mặt gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ, tô điểm vô số những đụn muối trắng tinh, cùng những đôi gánh tần tảo của diêm dân... tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh bình dị mà đặc sắc.


ĐỒNG MUỐI SA HUỲNH
Đồng muối Sa Huỳnh (Ảnh ST)


Cánh đồng muối Sa Huỳnh



Địa danh Sa Huỳnh nếu viết đúng có khởi nguyên từ tên gọi Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh rất đẹp. Những người cao tuổi ở đây cho biết: sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn. Dưới thời Nguyễn (Thế kỷ 19) Sa Huỳnh là vị trí quan trọng để canh phòng mặt biển và cũng kể từ đó nghề muối Sa Huỳnh hình thành, được người dân duy trì nghề đến nay.





ĐỒNG MUỐI SA HUỲNH
Nghề làm muối ở Sa Huỳnh (Ảnh ST)


Nằm núp dưới bóng hàng cây xanh mát, làng muối Sa Huỳnh có khoảng 550 hộ diêm dân, với chừng 2.000 nhân khẩu theo nghề làm muối. Với diện tích cánh đồng muối hơn 116 ha, hàng năm làng muối Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 8.000 - 9.000 tấn. Vụ làm muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Trên cánh đồng muối những ngày cuối tháng ba này, nhiều diêm dân đang khom lưng cho công việc tát nước, làm đồng chuẩn bị cho vụ muối mới.


ĐỒNG MUỐI SA HUỲNH
Sự vất vả của người dân trong quá trình sản xuất muối (Ảnh ST)


Muối ở Sa Huỳnh được làm ra trên những ô ruộng lóng lánh nắng dưới ánh mặt trời. Mặn mòi của biển kết đọng lại sau bao vất vả nhọc nhằn trước nắng, gió thành muối trải khắp cánh đồng. Muối trắng bao nhiêu, tinh khiết bao nhiêu thì diêm dân mướt mải bấy nhiêu, tất tả bấy nhiêu. Những bóng nắng đổ xuống đen bóng như tượng đồng rắn rỏi, vững chắc. Muối là cuộc sống của nơi đây, từ bao đời đã theo những mồ hôi thấm lên da thịt.


ĐỒNG MUỐI SA HUỲNH
Cánh đồng muối trắng tinh một màu (Ảnh ST)

Nghề muối là nghề khá nặng nhọc, chủ yếu làm việc ngoài đồng với cái nắng miền Trung rát bỏng, vậy mà phần nhiều người lao động ở đây là phụ nữ. Công việc làm muối vẫn chủ yếu làm thủ công. Cởi tấm khăn choàng che nắng, chị Phạm Thị Vàng  ở xã Phổ Thạch, Huyện Đức Phổ, cho biết: “Quy trình làm muối ở đây lấy nước biển từ kênh, mương cho vào bọng chứa, rồi đưa vào ruộng. Nước vào ruộng đã được chuẩn bị sẵn thì phải chờ có nắng để đủ độ kết tinh mới tạo thành muối”.


Cái nghề làm muối, cái nghề phơi mình giữa chang chang nắng, cũng "bán mặt cho đất/ bán lưng cho trời" như ai nhưng không làm người dân nơi đây tắt đi tiếng cười tỏa nắng. Lấm tấm muối trắng vương, ta thấy mặn mà, bao la tình thương như lòng biển với mảnh đất này.

ĐỒNG MUỐI SA HUỲNH
Nụ cười vẫn rạng ngời trên khuôn mặt người dân Sa Huỳnh (Ảnh ST)

Những năm gần đây, khách du lịch cũng đã tìm đến với biển Sa Huỳnh. Tuy cơ sở vật chất cho du lịch chưa nhiều, nhưng đã  xuất hiện những nhà hàng, nhà nghỉ cùng hệ thống các cửa hàng phục vụ du lịch. Từ một làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nhỏ xinh, nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng.  Khách du lịch tới đây sẽ có dịp nghỉ ngơi bên những bãi biển tuyệt đẹp còn giữ nguyên vẻ nguyên sơ. Du khách cũng sẽ có dịp thăm cánh đồng muối, trải nghiệm cuộc sống của người dân làng muối, làng biển và nhất là thưởng thức những đặc sản ở vùng biển nơi đây.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Thưởng thức địa chỉ QUÁN ĂN ĐÊM Phú Quốc ngon, bổ, rẻ

Nhắc đến Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp nhất, có những thứ khiến cho bạn say mê điên đảo: những bãi biển cát trắng, nước trong suốt như pha lê,...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN